Luật các tổ chức tín dụng - Chương 4: Hoạt động của tổ chức tín dụng

    Chương IV

    HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

    Mục 1

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 90. Phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng

    1. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể phạm vi, loại hình, nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng.

    2. Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.

    3. Các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật này thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

    Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

    1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

    2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

    3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của

    hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

    Điều 92. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu của tổ chức tín dụng

    1. Tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu để huy động vốn theo quy định của Luật này và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    2. Căn cứ Luật này và Luật chứng khoán, Chính phủ quy định việc phát hành trái phiếu, trừ trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn của tổ chức tín dụng.

    Điều 93. Quy định nội bộ

    1. Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.

    2. Tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ sau đây:

    a) Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích;

    b) Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro;

    c) Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

    d) Quy định về quản lý thanh khoản, trong đó có các thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản;

    đ) Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng;

    e) Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;

    g) Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng;

    h) Quy định về quy trình, thủ tục, bao gồm cả nguyên tắc nhận biết khách hàng để bảo đảm ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng bị lạm dụng cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác;

    i) Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.

    3. Tổ chức tín dụng phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước các quy định nội bộ tại khoản 2 Điều này ngay sau khi ban hành.

    Điều 94. Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay

    1. Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.

    2. Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.

    3. Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.

    4. Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

    Điều 95. Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất

    1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.

    2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    3. Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

    4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

    Điều 96. Lưu giữ hồ sơ tín dụng

    1. Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ tín dụng, bao gồm:

    a) Hợp đồng cấp tín dụng và tài liệu ghi rõ mục đích sử dụng vốn; hồ sơ về biện pháp bảo đảm;

    b) Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng;

    c) Quyết định cấp tín dụng có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;

    d) Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến hợp đồng cấp tín dụng.

    2. Thời hạn lưu trữ hồ sơ tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Điều 97. Hoạt động ngân hàng điện tử

    Tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

    Mục 2

    HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

    Điều 98. Hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại

    1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.

    2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài.

    3. Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:

    a) Cho vay;

    b) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

    c) Bảo lãnh ngân hàng;

    d) Phát hành thẻ tín dụng;

    đ) Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

    e) Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    4. Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

    5. Cung ứng các phương tiện thanh toán.

    6. Cung ứng các dịch vụ thanh toán sau đây:

    a) Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;

    b) Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    Điều 99. Vay vốn của Ngân hàng Nhà nước

    Ngân hàng thương mại được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Điều 100. Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính

    Ngân hàng thương mại được vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

    Điều 101. Mở tài khoản

    1. Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi này số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

    2. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng khác.

    3. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

    Điều 102. Tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán

    1. Ngân hàng thương mại được tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia.

    2. Ngân hàng thương mại được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    Điều 103. Góp vốn, mua cổ phần

    1. Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 6 Điều này.

    2. Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây:

    a) Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu;

    b) Cho thuê tài chính;

    c) Bảo hiểm.

    3. Ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản bảo đảm, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

    4. Ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

    a) Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

    b) Lĩnh vực khác không quy định tại điểm a khoản này.

    5. Việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận.

    Điều kiện, thủ tục và trình tự thành lập công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

    6. Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Điều 104. Tham gia thị trường tiền tệ

    Ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.

    Điều 105. Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh

    1. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, ngân hàng thương mại được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài các sản phẩm sau đây:

    a) Ngoại hối;

    b) Phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác.

    2. Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh ngoại hối; điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại.

    3. Việc cung ứng dịch vụ ngoại hối của ngân hàng thương mại cho khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

    Điều 106. Nghiệp vụ ủy thác và đại lý

    Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Điều 107. Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại

    1. Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn.

    2. Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư.

    3. Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

    4. Dịch vụ môi giới tiền tệ.

    5. Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

    Mục 3

    HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH

    Điều 108. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính

    1. Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng sau đây:

    a) Nhận tiền gửi của tổ chức;

    b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;

    c) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

    d) Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;

    đ) Bảo lãnh ngân hàng;

    e) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;

    g) Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    2. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 109. Mở tài khoản của công ty tài chính

    1. Công ty tài chính có nhận tiền gửi phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi này số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

    2. Công ty tài chính được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    3. Công ty tài chính được phép thực hiện hoạt động phát hành thẻ tín dụng được mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

    4. Công ty tài chính được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản quản lý tiền vay cho khách hàng.

    Điều 110. Góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính

    1. Công ty tài chính chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

    2. Công ty tài chính được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư.

    3. Công ty tài chính chỉ được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

    4. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc thành lập công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính quy định tại khoản 3 Điều này.

    Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Điều 111. Các hoạt động kinh doanh khác của công ty tài chính

    1. Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, cấp tín dụng được phép; ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng. Việc tiếp nhận vốn ủy thác của cá nhân và ủy thác vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    2. Tham gia thị trường tiền tệ theo quy định tại Điều 104 của Luật này.

    3. Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

    4. Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác.

    5. Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    6. Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.

    7. Cung ứng dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư.

    8. Cung ứng dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản của khách hàng.

    Mục 4

    HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY CHO THUÊ TÀI CHÍNH

    Điều 112. Hoạt động ngân hàng của công ty cho thuê tài chính

    1. Nhận tiền gửi của tổ chức.

    2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.

    3. Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    4. Cho thuê tài chính.

    5. Cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính.

    6. Cho thuê vận hành với điều kiện tổng giá trị tài sản cho thuê vận hành không vượt quá 30% tổng tài sản có của công ty cho thuê tài chính.

    7. Thực hiện hình thức cấp tín dụng khác khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

    Điều 113. Hoạt động cho thuê tài chính

    Hoạt động cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính và phải có một trong các điều kiện sau đây:

    1. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê hoặc tiếp tục thuê theo thỏa thuận của hai bên;

    2. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản cho thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản cho thuê tại thời điểm mua lại;

    3. Thời hạn cho thuê một tài sản phải ít nhất bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản cho thuê đó;

    4. Tổng số tiền thuê một tài sản quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải bằng giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

    Điều 114. Mở tài khoản của công ty cho thuê tài chính

    1. Công ty cho thuê tài chính có nhận tiền gửi phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi này số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

    2. Công ty cho thuê tài chính được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Điều 115. Góp vốn, mua cổ phần của công ty cho thuê tài chính

    Công ty cho thuê tài chính không được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức.

    Điều 116. Các hoạt động khác của công ty cho thuê tài chính

    1. Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động cho thuê tài chính. Việc tiếp nhận vốn ủy thác của cá nhân thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    2. Tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

    3. Mua, bán trái phiếu Chính phủ.

    4. Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và ủy thác cho thuê tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    5. Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.

    6. Cung ứng dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư cho bên thuê tài chính.

    Mục 5

    HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ HỢP TÁC XÃ

    Điều 117. Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã

    1. Hoạt động chủ yếu của ngân hàng hợp tác xã là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân.

    2. Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

    Điều 118. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân

    1. Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

    a) Nhận tiền gửi của thành viên;

    b) Nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    2. Cho vay bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

    a) Cho vay đối với khách hàng là thành viên;

    b) Cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    3. Cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên.

    4. Các hoạt động khác, bao gồm:

    a) Tiếp nhận vốn ủy thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân;

    b) Vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác;

    c) Tham gia góp vốn thành lập ngân hàng hợp tác xã;

    d) Mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

    đ) Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

    e) Nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

    g) Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm;

    h) Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên.

    5. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể địa bàn hoạt động của từng quỹ tín dụng nhân dân trong Giấy phép.

    Mục 6

    HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ

    Điều 119. Huy động vốn của tổ chức tài chính vi mô

    1. Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

    a) Tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô;

    b) Tiền gửi của tổ chức và cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán.

    2. Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

    Điều 120. Cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô

    1. Tổ chức tài chính vi mô chỉ được cấp tín dụng bằng đồng Việt Nam dưới hình thức cho vay. Việc cấp tín dụng của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn.

    2. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cấp tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trong tổng dư nợ cấp tín dụng không thấp hơn tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

    Điều 121. Mở tài khoản của tổ chức tài chính vi mô

    1. Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại.

    2. Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

    Điều 122. Hoạt động khác của tổ chức tài chính vi mô

    1. Ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn.

    2. Cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô.

    3. Cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng tài chính vi mô.

    4. Làm đại lý cung ứng dịch vụ bảo hiểm.

    Mục 7

    HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

    Điều 123. Nội dung hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

    1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các hoạt động theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật này, trừ các hoạt động sau đây:

    a) Hoạt động quy định tại Điều 103 của Luật này;

    b) Hoạt động mà ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện tại nước nơi ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính.

    2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung ứng một số dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

    3. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nội dung hoạt động trong Giấy phép cấp cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật này, phù hợp với quy mô, loại hình, lĩnh vực hoạt động của ngân hàng nước ngoài.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Các tổ chức tín dụng-Luật 47/2010/QH12
    Số hiệu:47/2010/QH12
    Ngày ban hành: 16/6/2010
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/01/2011.Còn hiệu lực.
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Phú Trọng - Chủ Tịch Quốc Hội

    .

    Tài file văn bản toàn văn Luật các tổ chức tín dụng-Luật47/2010/QH12

    Luật các tổ chức tín dụng 2010

    Luật các tổ chức tín dụng 2010

    Luật các tổ chức tín dụng 2010

    Trở về

    Bài nổi bật chuyên mục

      Văn phòng luật sư

      2

      Văn phòng luật sư Tân Hà

      Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

      4

      Văn phòng Luật sư Leadco

      Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

      5

      Công ty Luật VIKO & Cộng sự

      Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

      6

      Công ty Luật Khai Phong

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

      7

      Công Ty Luật Hoàng Minh

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

      8

      Công ty Luật SPVN

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

      10

      Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

      Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
      Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

      11

      Văn phòng luật sư Việt An

      Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

      12

      Công Ty Luật VLG

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
      Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng