Luật luật sư - Chương II:Luật sư

    Chương II

    LUẬT SƯ

    Điều 10. Tiêu chuẩn luật sư

    Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

    Điều 11. Điều kiện hành nghề luật sư

    Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

    Điều 12. Đào tạo nghề luật sư

    1. Người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khoá đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

    2. Thời gian đào tạo nghề luật sư là sáu tháng.

    Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

    3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư và quy định việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

    4. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

    Điều 13. Người được miễn đào tạo nghề luật sư

    1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

    2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

    3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

    4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

    Điều 14. Tập sự hành nghề luật sư

    1. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì được tập sự hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư.

    Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười tám tháng, trừ trường hợp được giảm thời gian tập sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

    Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư.

    2. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký việc tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự.

    Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tuân theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

    3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

    4. Khi hết thời gian tập sự, luật sư hướng dẫn nhận xét kết quả tập sự của người tập sự hành nghề luật sư bằng văn bản và gửi đến Đoàn luật sư nơi người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự.

    5. Việc tập sự hành nghề luật sư được thực hiện theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc ban hành.

    Điều 15. Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

    1. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

    2. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tiến hành; thành phần Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện lãnh đạo tổ chức luật sư toàn quốc và một số luật sư là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

    Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoạt động theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

    3. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

    Điều 16. Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

    1. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 của Luật này được miễn tập sự hành nghề luật sư.

    2. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này thì được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

    3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Toà án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

    Điều 17. Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

    1. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có:

    a) Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    b) Sơ yếu lý lịch;

    c) Phiếu lý lịch tư pháp;

    d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

    đ) Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này;

    e) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;

    g) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

    Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải có văn bản đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo hồ sơ gửi Bộ Tư pháp.

    2. Người được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp. Hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có:

    a) Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    b) Sơ yếu lý lịch;

    c) Phiếu lý lịch tư pháp;

    d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật hoặc bản sao Bằng tiến sỹ luật;

    đ) Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 và miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;

    e) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

    3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

    Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

    4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

    a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

    b) Không thường trú tại Việt Nam;

    c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

    d) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính;

    đ) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

    e) Những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

    Điều 18. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

    1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

    a) Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

    b) Không còn thường trú tại Việt Nam;

    c) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

    d) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

    đ) Bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    e) Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

    2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

    Điều 19. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư

    1. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 của Luật này khi có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này thì được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.

    2. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 18 của Luật này thì chỉ được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư khi có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này và một trong các điều kiện sau đây:

    a) Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

    b) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước có thời hạn quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thời hạn đó đã hết;

    c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà sau khi chấp hành hình phạt đã được xoá án tích.

    3. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư không có thời hạn hoặc bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì không được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.

    4. Thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

    Điều 20. Gia nhập Đoàn luật sư

    1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư.

    2. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

    a) Giấy đăng ký gia nhập Đoàn luật sư;

    b) Sơ yếu lý lịch;

    c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    d) Phiếu lý lịch tư pháp;

    đ) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

    3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định việc gia nhập Đoàn luật sư; nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87 của Luật này.

    4. Người gia nhập Đoàn luật sư được tổ chức luật sư toàn quốc cấp Thẻ luật sư theo đề nghị của Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá ba mươi ngày, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư.

    5. Luật sư chuyển từ Đoàn luật sư này sang Đoàn luật sư khác thì phải làm thủ tục rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư mà mình đang là thành viên để chuyển sinh hoạt đến Đoàn luật sư mới và được đổi Thẻ luật sư.

    Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của luật sư

    1. Luật sư có các quyền sau đây:

    a) Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;

    b) Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

    c) Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

    d) Các quyền khác theo quy định của Luật này.

    2. Luật sư có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư;

    b) Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng;

    c) Tham gia tố tụng trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

    d) Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí;

    đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Luật luật sư - Luật 65/2006/QH11
    Số hiệu: 65/2006/QH11
    Ngày ban hành: 29/06/2006
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/01/2007. Còn hiệu lực.
    Phần hết hiệu lực: Điều 8, Điều 52, Điều 63 và cụm từ “bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư” (theo Luật số 20/2012/QH13 của Quốc hội Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư)
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội

    Tài file văn bản toàn văn Luật luật sư - Luật 65/2006/QH11

    Luật luật sư

    Luật luật sư

    Luật luật sư

    Trở về

    Bài nổi bật chuyên mục

      Văn phòng luật sư

      2

      Văn phòng luật sư Tân Hà

      Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

      4

      Văn phòng Luật sư Leadco

      Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

      5

      Công ty Luật VIKO & Cộng sự

      Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

      6

      Công ty Luật Khai Phong

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

      7

      Công Ty Luật Hoàng Minh

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

      8

      Công ty Luật SPVN

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

      10

      Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

      Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
      Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

      11

      Văn phòng luật sư Việt An

      Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

      12

      Công Ty Luật VLG

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
      Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng