Luật Đầu Tư - Chương VI: Hoạt động đầu tư trực tiếp

    Chương VI 

    HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP

    Mục 1

     

    THỦ TỤC ĐẦU TƯ

    Điều 45. Thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước

     

    1. Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới mười lăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư.

    2. Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh.

    Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

    3. Nội dung đăng ký đầu tư bao gồm:

    a) Tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

    b) Mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

    c) Vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án;

    d) Nhu cầu sử dụng đất và cam kết về bảo vệ môi trường;

    đ) Kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có).

    4. Nhà đầu tư đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.

    Điều 46. Thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài

     

    1. Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

    2. Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm:

    a) Văn bản về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này;

    b) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;

    c) Hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng BCC, Điều lệ doanh nghiệp (nếu có).

    3. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký đầu tư hợp lệ.

    Điều 47. Thẩm tra dự án đầu tư

     

    1. Đối với dự án đầu tư trong nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư từ ba trăm tỷ đồng Việt Nam trở lên và dự án thuộc Danh mục dự án đầu tư có điều kiện thì phải thực hiện thủ tục thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

    2. Thời hạn thẩm tra đầu tư không quá ba mươi ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp cần thiết, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá bốn mươi lăm ngày.

    3. Đối với dự án quan trọng quốc gia thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quy định tiêu chuẩn dự án, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

    4. Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

    Điều 48. Thủ tục thẩm tra đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ ba trăm tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện

     

    1. Hồ sơ dự án bao gồm:

    a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;

    b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

    c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;

    d) Giải trình kinh tế - kỹ thuật với các nội dung về mục tiêu, địa điểm đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, giải pháp công nghệ, giải pháp về môi trường;

    đ) Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hồ sơ còn bao gồm hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng BCC, Điều lệ doanh nghiệp (nếu có).

    2. Nội dung thẩm tra bao gồm:

    a) Sự phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác;

    b) Nhu cầu sử dụng đất;

    c) Tiến độ thực hiện dự án;

    d) Giải pháp về môi trường.

    Điều 49. Thủ tục thẩm tra đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện

     

    1. Thủ tục thẩm tra đối với dự án có quy mô vốn đầu tư dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định như sau:

    a) Hồ sơ dự án bao gồm giải trình điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng; nội dung đăng ký đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này đối với dự án đầu tư trong nước hoặc khoản 2 Điều 46 của Luật này đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài;

    b) Nội dung thẩm tra bao gồm các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng.

    2. Thủ tục thẩm tra đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ ba trăm tỷ đồng Việt Nam trở lên và thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định như sau:

    a) Hồ sơ dự án bao gồm giải trình điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng; nội dung hồ sơ thẩm tra quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này.

    b) Nội dung thẩm tra bao gồm các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng và nội dung quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này.

    Điều 50. Thủ tục đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế

     

    1. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì được làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

    3. Nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật này.

    Điều 51. Điều chỉnh dự án đầu tư

     

    1. Khi có nhu cầu điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức, vốn, thời hạn dự án thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục sau đây:

    a) Đối với dự án đăng ký đầu tư, nhà đầu tư tự quyết định và đăng ký nội dung điều chỉnh cho cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh trong thời hạn mười ngày kể từ ngày quyết định điều chỉnh;

    b) Đối với dự án thuộc diện thẩm tra đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho cơ quan nhà nước quản lý đầu tư theo thẩm quyền để xem xét điều chỉnh.

    Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư bao gồm các nội dung về tình hình thực hiện dự án, lý do điều chỉnh, những thay đổi so với nội dung đã thẩm tra.

    2. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư thông báo cho nhà đầu tư việc điều chỉnh chứng nhận đầu tư trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

    3. Việc điều chỉnh dự án đầu tư được thực hiện dưới hình thức điều chỉnh, bổ sung nội dung vào Giấy chứng nhận đầu tư.

    Điều 52. Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài

     

    Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.

    Thời hạn hoạt động của dự án được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

    Điều 53. Trách nhiệm lập dự án, quyết định đầu tư, thẩm tra đầu tư

     

    1. Nhà đầu tư tự quyết định về dự án đầu tư; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và thực hiện cam kết đầu tư đã đăng ký.

    2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lập dự án, quyết định đầu tư, thẩm tra, chứng nhận đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về các đề xuất và quyết định của mình.

    Điều 54. Lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm

     

    Đối với dự án quan trọng được xác định trong quy hoạch ngành có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm thì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

     

    Mục 2
    TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ

    Điều 55. Thuê, giao nhận đất thực hiện dự án

     

    1. Đối với dự án đầu tư có yêu cầu sử dụng đất, nhà đầu tư liên hệ với cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền nơi thực hiện dự án để thực hiện thủ tục giao đất hoặc thuê đất.

    Trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

    2. Trong trường hợp nhà đầu tư đã được bàn giao đất mà không tiến hành triển khai dự án trong thời hạn quy định hoặc sử dụng đất sai mục đích thì bị thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai và bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

    Điều 56. Chuẩn bị mặt bằng xây dựng

     

    1. Đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất.

    Việc thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    2. Đối với trường hợp nhà đầu tư thuê lại đất của người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì nhà đầu tư có trách nhiệm tự tổ chức thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

    Trường hợp nhà đầu tư đã có thỏa thuận với người sử dụng đất về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng mà người sử dụng đất không thực hiện các nghĩa vụ như đã thỏa thuận thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có dự án đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

    3. Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.

    Điều 57. Thực hiện dự án đầu tư có khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản

     

    Dự án đầu tư có khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.

    Điều 58. Thực hiện dự án đầu tư có xây dựng

     

    1. Đối với dự án đầu tư có xây dựng thì việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    2. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và bảo vệ môi trường.

    Điều 59. Giám định máy móc, thiết bị

     

    Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về giám định giá trị và chất lượng của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định, thực hiện dự án đầu tư.

    Điều 60. Tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam

     

    1. Nhà đầu tư được trực tiếp hoặc thông qua đại lý để tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam mà không bị giới hạn về địa bàn tiêu thụ; được làm đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân khác có cùng loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

    2. Nhà đầu tư tự quyết định giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung ứng; trường hợp hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá thì giá bán được thực hiện theo khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

    Điều 61. Tài khoản ngoại tệ, tài khoản tiền đồng Việt Nam

     

    1. Nhà đầu tư được mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản tiền đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, nhà đầu tư được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài.

    2. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Điều 62. Bảo hiểm

     

    Nhà đầu tư thực hiện việc bảo hiểm tài sản và các bảo hiểm khác trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm ký với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

    Điều 63. Thuê tổ chức quản lý

     

    1. Nhà đầu tư được thuê tổ chức quản lý để quản lý đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh của dự án đầu tư đối với các lĩnh vực cần có kỹ năng quản lý chuyên sâu, trình độ cao.

    2. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức quản lý trước pháp luật Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý ghi trong hợp đồng.

    3. Tổ chức quản lý chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư về quản lý đầu tư và hoạt động kinh doanh của dự án đầu tư; phải tuân thủ pháp luật Việt Nam trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định trong hợp đồng; chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về những hoạt động của mình nằm ngoài phạm vi hợp đồng.

    Điều 64. Tạm ngừng dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư

     

    1. Nhà đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được xác nhận làm cơ sở cho việc xem xét miễn, giảm tiền thuê đất trong thời hạn tạm ngừng dự án.

    2. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

    Điều 65. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

     

    Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện theo một trong những trường hợp sau đây:

    1. Hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư;

    2. Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, Điều lệ doanh nghiệp hoặc thỏa thuận, cam kết của các nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án;

    3. Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

    4. Chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước quản lý đầu tư hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài do vi phạm pháp luật.

    Điều 66. Bảo lãnh của Nhà nước cho một số công trình và dự án quan trọng

     

    Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ quyết định các dự án đầu tư quan trọng và quyết định việc bảo lãnh về vốn vay, cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, thanh toán và các bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khác cho dự án; chỉ định cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc bảo lãnh.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Luật đầu tư -Luật 59/2005/QH11
    Số hiệu: 59/2005/QH11
    Ngày ban hành: 29/112005
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/07/2006. Còn hiệu lực.
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ Tịch Quốc Hội

    Tài file văn bản toàn văn Luật Đầu Tư - Luật 59/2005/QH11

    Luật Đầu Tư

    Luật Đầu Tư

    Luật Đầu Tư

    Trở về

      Bài nổi bật chuyên mục

        Văn phòng luật sư

        2

        Văn phòng luật sư Tân Hà

        Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

        4

        Văn phòng Luật sư Leadco

        Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

        5

        Công ty Luật VIKO & Cộng sự

        Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

        6

        Công ty Luật Khai Phong

        Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

        7

        Công Ty Luật Hoàng Minh

        Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

        8

        Công ty Luật SPVN

        Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

        10

        Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

        Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
        Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

        11

        Văn phòng luật sư Việt An

        Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

        12

        Công Ty Luật VLG

        Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
        Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng