Tư vấn doanh nghiệp; Tư vấn sở hữu trí tuệ; Trang tụng thu hồi nợ; Bất động sản; tranh tụng dân sự; Tư vấn thuế, tài chính;...
Luật cạnh tranh - Chương IV: Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh
CHƯƠNG IV
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẠNH TRANH, HỘI ĐỒNG CẠNH TRANH
MỤC 1
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẠNH TRANH
Điều 49. Cơ quan quản lý cạnh tranh
1. Chính phủ quyết định thành lập và quy định tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý cạnh tranh.
2. Cơ quan quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế theo quy định của Luật này;
b) Thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
d) Xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
đ) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 50. Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này.
Điều 51. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh
1. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh (sau đây gọi là điều tra viên) do Bộ trưởng Bộ Thương mại bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh.
2. Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ việc cạnh tranh cụ thể theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh.
Điều 52. Tiêu chuẩn điều tra viên
Người có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan;
2. Có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính;
3. Có thời gian công tác thực tế ít nhất là năm năm thuộc một trong các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này;
4. Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
MỤC 2
HỘI ĐỒNG CẠNH TRANH
1. Hội đồng cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập.
Hội đồng cạnh tranh có từ mười một đến mười lăm thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
2. Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này.
Điều 54. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh
1. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trong số thành viên của Hội đồng cạnh tranh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
2. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có trách nhiệm tổ chức hoạt động của Hội đồng cạnh tranh.
3. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh gồm ít nhất năm thành viên của Hội đồng cạnh tranh, trong đó có một thành viên làm Chủ tọa phiên điều trần để giải quyết một vụ việc cạnh tranh cụ thể.
Điều 55. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng cạnh tranh
1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng cạnh tranh:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
b) Có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính;
c) Có thời gian công tác thực tế ít nhất là chín năm thuộc một trong các lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng cạnh tranh là năm năm và có thể được bổ nhiệm lại.
-------------------------------------------------------------------------
Tên văn bản: Luật Cạnh tranh - Luật 27/2004/QH11
Số hiệu: 27/2004/QH11
Ngày ban hành: 03/12/2004
Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/07/2005. Còn hiệu lực .
Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội
Tài file văn bản toàn văn Luật Cạnh tranh - Luật 27/2004/QH11