Bộ luật dân sự - Phần 1: Những qui định chung - Chương 5: Hộ gia đình, tổ hợp tác

    CHƯƠNG V
    HỘ GIA ĐÌNH, TỔ HỢP TÁC

    MỤC 1
    HỘ GIA ĐÌNH

    Điều 106. Hộ gia đình

    Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.

    Điều 107. Đại diện của hộ gia đình

    1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.

    Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.

    2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.

    Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

    Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

    Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

    1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

    2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

    Điều 110. Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình

    1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.

    2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.

    MỤC 2
    TỔ HỢP TÁC

    Điều 111. Tổ hợp tác

    1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.

    Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    2. Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây:

    a) Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác;

    b) Họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên;

    c) Mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên;

    d) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên;

    đ) Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác;

    e) Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác;

    g) Các thoả thuận khác.

    Điều 112. Tổ viên tổ hợp tác

    Tổ viên tổ hợp tác là cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

    Tổ hợp tác có quyền giao kết hợp đồng lao động với người không phải là tổ viên để thực hiện những công việc nhất định.

    Điều 113. Đại diện của tổ hợp tác

    1. Đại diện của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự là tổ trưởng do các tổ viên cử ra.

    Tổ trưởng tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ.

    2. Giao dịch dân sự do người đại diện của tổ hợp tác xác lập, thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả tổ hợp tác.

    Điều 114. Tài sản của tổ hợp tác

    1. Tài sản do các tổ viên đóng góp, cùng tạo lập và được tặng cho chung là tài sản của tổ hợp tác.

    2. Các tổ viên quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận.

    3. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý.

    Điều 115. Nghĩa vụ của tổ viên

    Tổ viên có các nghĩa vụ sau đây:

    1. Thực hiện sự hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác;

    2. Bồi thường thiệt hại cho tổ hợp tác do lỗi của mình gây ra.

    Điều 116. Quyền của tổ viên

    Tổ viên có các quyền sau đây:

    1. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả thuận;

    2. Tham gia quyết định các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ hợp tác, thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác.

    Điều 117. Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác

    1. Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác.

    2. Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.

    Điều 118. Nhận tổ viên mới

    Tổ hợp tác có thể nhận thêm tổ viên mới, nếu được đa số tổ viên đồng ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    Điều 119. Ra khỏi tổ hợp tác

    1. Tổ viên có quyền ra khỏi tổ hợp tác theo các điều kiện đã thoả thuận.

    2. Tổ viên ra khỏi tổ hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà mình đã đóng góp vào tổ hợp tác, được chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ của mình đối với tổ hợp tác theo thoả thuận; nếu việc phân chia tài sản bằng hiện vật mà ảnh hưởng đến việc tiếp tục hoạt động của tổ thì tài sản được trị giá bằng tiền để chia.

    Điều 120. Chấm dứt tổ hợp tác

    1. Tổ hợp tác chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

    a) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;

    b) Mục đích của việc hợp tác đã đạt được;

    c) Các tổ viên thoả thuận chấm dứt tổ hợp tác.

    Trong trường hợp chấm dứt, tổ hợp tác phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã chứng thực hợp đồng hợp tác.

    2. Tổ hợp tác chấm dứt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định.

    3. Khi chấm dứt, tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ của tổ; nếu tài sản của tổ không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các tổ viên để thanh toán theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật này.

    Trong trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản của tổ vẫn còn thì được chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Bộ luật Dân sự - Bộ luật 33/2005/QH11
    Số hiệu: 33/2005/QH11
    Ngày ban hành: 14/06/2005
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/01/2006. Còn hiệu lực.
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội

    Tài file văn bản toàn văn Bộ luật Dân sự 2005

    Bộ luật Dân sự 2005

    Bộ luật Dân sự 2005

    Bộ luật Dân sự 2005

    Trở về

    Bài nổi bật chuyên mục

      Văn phòng luật sư

      2

      Văn phòng luật sư Tân Hà

      Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

      4

      Văn phòng Luật sư Leadco

      Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

      5

      Công ty Luật VIKO & Cộng sự

      Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

      6

      Công ty Luật Khai Phong

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

      7

      Công Ty Luật Hoàng Minh

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

      8

      Công ty Luật SPVN

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

      10

      Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

      Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
      Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

      11

      Văn phòng luật sư Việt An

      Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

      12

      Công Ty Luật VLG

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
      Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng